Chọn trường nào sau khi đỗ Đại học Mỹ?

Sau bao tháng ngày cố gắng và nỗ lực học tập, tham gia hoạt động, viết luận và nộp hồ sơ, bạn đã trúng tuyển nhiều trường Đại học. Giờ là lúc bạn lựa chọn ra môi trường phù hợp với mình và viết thư từ chối những trường khác. Hãy cùng chuyên gia APUS cân nhắc các yếu tố và thực hiện những lời khuyên dưới đây.

1. Tìm hiểu vị trí của trường (và nếu được, hãy trực tiếp tới thăm trường)

Khi chọn trường, bạn không chỉ lựa chọn một nơi để học tập và phát triển, mà còn lựa nơi bạn sẽ sinh sống, gắn bó trong suốt bốn năm học. Bạn cần chọn một ngôi trường mà mình thấy thoải mái và ở đó, bạn có thể tìm thấy một cộng đồng phù hợp với mình. Vậy làm thế nào bạn biết đó có phải là ngôi trường ấy không? Hãy tìm hiểu kỹ về trường và nếu được, hãy tới tham quan trực tiếp.

Trước diễn biến của Covid-19, học sinh đỗ không thể đến thăm trực tiếp trường thoải mái như trước. Tuy nhiên, các trường đều cố gắng tạo ra những chương trình giúp các sinh viên tương lai có những hình dung và cảm nhận về trường một cách rõ ràng và trực quan nhất. Một số trường như Tulane và Colgate hiện mở ra những tour tham quan trực tiếp, giới thiệu và cung cấp thông tin về trường. Những trường khác tổ chức các chương trình, sự kiện trực tuyến để giúp sinh viên viên giao lưu với trường. Hãy tận dụng tất cả các cơ hội sẵn có để khám phá những ngôi trường tiềm năng của mình.

2. Nói chuyện với giảng viên/ sinh viên của trường

Một trong những cách tốt nhất để tìm hiểu về ngôi trường mình dự định theo học chính là nói chuyện với những thầy cô, anh/chị sinh viên đã hoặc đang giảng dạy, học tập tại trường. Hầu hết các trường thường tạo cơ hội cho các sinh viên tương lai nói chuyện với các sinh viên hiện đang theo học cũng như đội ngũ giảng viên của các khoa, ngành. Ví dụ: Đại học Dartmouth mở những buổi định hướng về khoa, ngành hay chương trình “Pine Pods” giúp sinh viên làm quen với cộng đồng sinh viên trong trường. University of Virginia có chương trình UVA’s Days on the Lawn mang đến cho sinh viên tương lai cơ hội nói chuyện với những sinh viên đang theo học.

Ngoài ra, các cố vấn học tập cấp 3 của bạn hay các chuyên gia tư vấn có thể kết nối bạn với những sinh viên đã hoặc đang học tập tại trường. Bạn cũng có thể liên lạc với một giảng viên của trường để tìm hiểu thêm về khoa, ngành hoặc xin dự thính một buổi học để hiểu rõ hơn về môn học và về ngành định chọn.

3. Đánh giá lại chương trình học thuật

Thời điểm này là lúc bạn đánh giá thật kỹ chương trình học thuật của từng trường. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi và tìm câu trả lời qua các phương tiện thông tin hoặc gặp gỡ trực tiếp đại diện tuyển sinh/sinh viên/giảng viên trong trường. 

  • Trường cung cấp những khóa học mà bạn yêu thích hay không? 
  • Chất lượng giáo sư và danh tiếng của họ thế nào, có đủ giúp bạn làm nghiên cứu và theo đuổi con đường nghiên cứu sau khi tốt nghiệp ĐH không? 
  • Mức độ hiệu quả của các chương trình cố vấn nghề nghiệp, thực tập của trường thế nào? Số lượng sinh viên có được công việc thực tập tốt ngay trong thời gian học là bao nhiêu?
  • Trường có linh hoạt trong việc chuyển đổi ngành học không? Nếu bạn dự định sẽ thay đổi ngành học trong thời gian tới, bạn nên chọn các trường Đại học cho phép bạn đăng ký và theo học hai hay nhiều chuyên ngành chính hoặc/và phụ. Nếu bạn nghĩ đến việc chuyển trường trong cùng hệ thống trường Đại học lớn (ví dụ: từ trường Khoa học và Nghệ thuật sang trường Kỹ thuật), thì bạn cũng nên tìm hiểu sớm để chọn ra ngôi trường đủ linh hoạt để giúp bạn thực hiện dự định này.
  • Thời tiết, an ninh của khu vực mình dự định theo học thế nào?

4. Xem xét chi phí

Chi phí cũng là một phần vô cùng quan trọng trong việc chọn trường. Ví dụ như: Học phí hàng năm của từng trường là bao nhiêu? Chi phí sinh hoạt ở từng khu vực của mỗi trường là bao nhiêu? Trường nào cho học bổng hoặc các gói hỗ trợ tài chính tốt hơn?…

Sau khi xem xét hết cả bốn yếu tố trên, chắc chắn bạn sẽ chọn ra được ngôi trường nào là ngôi trường thực sự phù hợp với mình. 

Chúc các bạn sớm tìm được “ngôi nhà” thứ hai của mình trong bốn năm học tiếp theo!