DU HỌC ĐẠI HỌC TẠI MỸ “CỤ THỂ” NHƯ THẾ NÀO?

Học những gì. Thi cử thế nào. Sinh hoạt ra sao?
* Note: Bài rất hữu ích cho các bạn sắp nhập học đại học Mỹ và các em những lứa về sau.
Mình viết bài này dựa trên kinh nghiệm 4 năm học đại học ở Mỹ chứ không phải kinh nghiệm của một tiến sĩ giáo dục bậc đại học nha, cả nhà.
Du học sinh quốc tế phải tham dự International Orientation, trình passport (có chữ ký), I-20 (nhớ ký giúp mình cái này!), I-94, địa chỉ liên lạc của người thân, nghe nội quy cho du học sinh rồi mới được chuyển lên hay xuống gặp academic advisor để đăng ký lớp.
Học kỳ đầu, bắt buộc phải gặp academic advisor để “clear bars”, tức là tuân thủ các quy trình nhập học và đánh giá/khảo sát (nếu cần) thì mới đăng ký được lớp. Từ kỳ 2, có thể tự đăng ký online, dựa theo cái academic/degree plan mà academic advisor phát cho hoặc tự tìm và download trên mạng.
Số giờ học tối thiểu trong 1 học kỳ của sinh viên quốc tế là 12 hours/12 tín chỉ. Thông thường, mỗi 1 môn/1 lớp ở bậc đại học là 3 tín chỉ. Môn calculus là 4 tín chỉ/1 lớp; môn  ngoại ngữ, 5 tín chỉ/lớp trong 2 học kỳ đầu. 1 số môn chỉ có 1 tín chỉ, như lab, PE (physical education), Internship, nhạc (cho đối tượng không chuyên nghiệp). Mỗi 1 tín chỉ tương đương 1 giờ học trên lớp trong 1 tuần. 1 môn có 3 tín chỉ 1 học kỳ có nghĩa là 1 tuần sẽ học môn đó  khoảng 3 buổi, mỗi buổi gần 1 tiếng (50′), hoặc 2 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài gần 90 phút. Nếu vì lý do nào đó, sinh viên quốc tế không đảm bảo đủ 12 tín chỉ trong 1 kỳ (ví dụ, sức khoẻ, gia đình, ….), phải xin phép và được sự cho phép của International Office (các trường có tên gọi khác nhau cho  bộ phận này, nhưng các bạn chỉ cần hiểu chung, đây là nơi tổ chức cái International Orientation mình nói ở trên và là nơi cấp I-20 cho  bạn sang học).
Mỗi lần chuyển chuyên ngành, chuẩn bị về nước thăm gia đình, đi làm thực tập, lấy dưới 12 tín chỉ…, sinh viên quốc tế phải lên International Office để xin chữ ký của international advisor vào form I-20 của mình. Khi về nước và quay lại,  cũng cần gặp để trình báo họ.
Thời khoá biểu vào Đại học là do mình chủ động chọn. 1 môn có thể offer vào nhiều thời gian khác nhau. Những môn nào yêu cầu phải có pre-requisite thì bắt buộc phải lấy lớp cơ bản trước, pass thì mới lấy được lớp tiếp theo. Còn lại, ở bậc lower division, muốn lấy lớp nào cũng được.
Dù bạn học chuyên ngành nào, bạn cũng bắt buộc phải lấy các lớp sau: English composition hay rhetoric 1-2 (viết luận), Toán- Calculus, Lịch sử Mỹ 1 -2, Government – nhà nước Mỹ- nhà nước tiểu bang, trừ khi, bạn học, thi và pass AP các môn này từ cấp 3 -> bởi vậy, không khá tiếng Anh thì học Đại học bên Mỹ rất chật vật.
Mỗi chuyên ngành có yêu cầu về số tín chỉ tối thiểu để tốt nghiệp khác nhau. Ở UT Austin, nếu theo học ngành Engineering, cần có đủ 130 tín chỉ mới tốt nghiệp được. Ngành liberal arts như mình chỉ cần 120 thôi.
Các môn ở Mỹ được tính điểm theo A (thông thường 90% trở lên), B (80-89%), C (70-79%), D (60-69%), F- Fail (dưới 60%– trượt), W (withdrawn- bỏ lớp sau ngày học thứ 12 của kỳ học), I- incomplete (bỏ giữa chừng và có sự cho phép của giáo viên để quay lại học tiếp sau này)… Tuy nhiên, các giáo sư có quyền curve- điều chỉnh lại thang điểm (thường là nâng lên và có lợi cho sinh viên, dựa vào kết quả của sinh viên trong cả lớp. Ví dụ, có 1 lần, mình tổng kết được 88% môn Chính sách công nhưng được cho điểm A, vì điểm mình cao so với mặt bằng chung của lớp. Mình tổng kết Vật Lý (cho sinh viên chuyên ngành non-STEM) chỉ được 75%, nhưng vẫn được tính là B. Quy đổi ra GPA thì thế này: A =4, B =3, C = 2, E =1, F =0. Vì thế, tuy điểm từng bài kiểm tra riêng lẻ là 85%, nhưng GPA theo cả kỳ/cả quá trình của bạn lại trên thang 4. Nếu bạn nào nói, GPA là 3.5 thì có thể hiểu, 1 nửa số môn bạn học được A, nửa còn lại B. Môn nào nhiều tín chỉ, đương nhiên, trọng lượng sẽ cao hơn.
Kiểm tra, đánh giá: với mấy môn STEM thì thường có homework, 2-3 bài kiểm tra trong 1 học kỳ, có thể thêm bài tập nhóm- group project, lab, quizes/pop quizes- kiểm tra ngẫu nhiên 15′, thuyết trình-presentation. Với môn KHXH thì thường thêm phần viết luận. Nhiều giáo viên còn offer extra credit khi mình tham gia vào các hoạt động chuyên ngành, đi xem phim tư liệu rồi viết báo cáo, tham dự sự kiện vv…
Mình học 2 chuyên ngành, Văn học Anh (English literature) và Government (khoa học chính trị), mỗi môn, mình có 3 bài luận dài trong 1 kỳ – nghĩ lại cũng hãi… Nhưng nhờ quen với “nếp học” này, mình học lên cao học và tiến sĩ khá nhẹ nhàng.
Ai đã từng học phổ thông Mỹ rồi học lên đại học thì sẽ thấy, học đại học “nhàn” hơn vì thời gian do mình sắp xếp, học bao môn tuỳ mình (lưu ý, sinh viên quốc tế vẫn phải đảm bảo 12hrs), ít kiểm tra hơn, nghỉ học không bị đánh trượt…. Tuy nhiên, khối lượng kiến thức bậc đại học nhiều hơn hẳn và ít bài kiểm tra hơn nên mỗi bài kiểm tra sẽ có trọng lượng lớn hơn. Nếu kết quả 1 bài kiểm tra không tốt thì sẽ ảnh hưởng kết quả cả kỳ học nhiều hơn khi đi học phổ thông. Nói chung, vào đại học, muốn học tốt thì phải tự giác hơn nhiều, so với khi học phổ thông, nơi mà giáo viên luôn “chăm bẵm”, nhắc nhở, kèm cặp trò, và thường xuyên cho extra credit- điểm thưởng để học sinh gỡ điểm và nâng điểm.
Giáo sư, giảng viên đại học bên Mỹ bắt buộc phải có office hour, ngoài giờ dạy trên lớp. Thông tin này được ghi trên syllabus, sẽ phát cho sinh viên vào đầu kỳ học. Ngoài ra, bạn có thể đặt lịch  hẹn để gặp giáo sư vào khoảng thời gian ngoài office hour để lên trao đổi về bài vở…
Các trường đại học Mỹ có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ sinh viên: tutor lab (cho tất cả các môn học – bạn nào học giỏi thì có thể lên đó tìm việc làm tutor. Ngày trước, mình có 1 người bạn thân làm tutor môn Vật Lý, mình thì kém môn  này nên thường lên đó để bạn ý kèm, writing center (hỗ trợ bạn viết luận, mỗi buổi tư vấn chỉ 1 hour, nếu  bạn cần nhiều hơn thời lượng này thì phải tiếp tục book lịch), computer labs (các trường lớn thường có rất nhiều phòng lab), thư viện  chung của toàn trường (thư viện của UT mở 24/24) – thư viện chuyên ngành career service – dịch vụ hỗ trợ tìm việc làm, health center – trung tâm y tế và sức khoẻ, counseling – tư vấn tâm lý, gym-recreation center – phòng thể dục (TCU có phòng sauna rất tuyệt vời!), vv….
Một số môn học không cần mua sách cho tốn kém. Bạn có thể check out từ thư viện. Một số sách, ví dụ như sách giáo khoa, nằm trong khu reserved, bạn không mang ra khỏi thư viện được và chỉ được check out 1 tiếng. Hồi mình lấy mấy môn Toán-Lý-Hoá, để tiết kiếm tiền, mình cũng không mua sách mà lên thư viện, check out sách để làm bài tập. Hết 1 tiếng mà vẫn chưa sử dụng xong, mình return và renew để được dùng tiếp!
Bài này dài rồi, mình sẽ chia sẻ tiếp sau và sẽ cân nhắc đến nhu cầu bạn đọc!
Nguồn TRANG V. DINH