Học cái mình thích hay học cái mình cần ?

Học cái mình thích hay học cái mình cần?

Thật khó có một công thức chung để chọn ngành/chọn nghề cho bất cứ ai. Bạn JOB rất thích theo học Toán nhưng rồi sau buổi họp gia đình, bạn ấy lại nghiêng về ý kiến của bố mẹ chọn học ngành Công nghệ Thông tin mà theo bố mẹ sẽ tốt cho tương lai của bạn. Thế rồi đến khi lên Đại học, chẳng cưỡng lại được sự rủ rê của đám bạn, JOB chọn theo học những ngành học cực cá tính là NHIẾP ẢNH vì phát hiện mình hơi có năng khiếu trong ngành này, nhưng đến cuối năm thứ 3 nghĩ thế nào lại chuyển lại về ngành Công nghệ Thông tin vì hầu hết lứa bạn theo học ngành này đã xin được internship ắt sau này thuận lợi hơn khi kiếm việc nơi xứ người. Rốt cục sau một thời gian miệt mài kinh sử, JOB vỡ ra mình không thích ngành này, rồi cũng vỡ ra ngành rất hot thuở nào lại có quá nhiều sự cạnh tranh, bất cân đối trong cung cầu khiến JOB cũng khó tìm việc. May mắn thay JOB cũng tìm được việc nhưng mỗi ngày đi làm lại là một ngày cực hình với JOB vì thấy mình chẳng hợp tẹo nào với công việc này và có ý định chuyển ngành. Vậy làm thế nào ở một góc độ tương đối, các bạn học sinh giống JOB đứng trước ngưỡng cửa Đại học có thể lựa chọn những ngành nghề phù hợp với đam mê, khả năng của bản thân nhưng cũng không đi “lạc dòng” với những xu hướng của thị trường việc làm, hãy đọc những chia sẻ dưới đây của bạn Nhung Lê, đang học tập và nghiên cứu tại Đại học MIT, Hoa Kỳ, để tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

1. Học cái mình thích?

Với những người đã không rõ mình thích cái gì để chọn ngành chọn nghề, thì việc bảo rằng “học cái mình thích” là một thử thách. Kể cả bạn nói rằng bạn học ngành mình thích, bạn nên tự tra vấn lại mình “thật sự mình có thích ngành đó không?” Tại sao vậy? Thường ở Mỹ, đặc biệt là các bạn học các trường Liberal Art Schools (Giáo dục khai phóng), đứng trước câu hỏi nên chọn ngành gì vào năm hai, và có thể chuyển ngành vào năm ba nếu không thích. Tiếc rằng với yêu cầu hoàn tất một số lượng nhất định các tín chỉ ở các ngành “nghệ thuật khai phóng,” thường là không liên quan đến chuyên ngành của bạn, như nhạc, họa, thể dục…, thì đến lúc ra quyết định chọn ngành, bạn mới chỉ học những lớp sơ đẳng của nhiều môn, từ đó dễ đưa đến những quyết định cảm tính về môn/ngành mình thích.

Vâng, cái gì mới học cũng dễ dàng, nhẹ nhàng, nên có khi thích học kinh tế vì mấy cái biểu đồ thật là hoành tráng, học Toán vì mấy cái công thức học hết ở Việt Nam rồi, hay học kịch vì tha hồ khóc cười lăn lộn trên sân khấu, được tự tin khám phá những góc cạnh của mình. Nhưng khi vào chuyên ngành học lên cao, kiến thức nặng hơn, yêu cầu của giáo sư cũng cao hơn, nhiều khi bạn sẽ gặp cơn ác mộng và càng băn khoăn hơn “mình thích cái gì?”

Nên lời khuyên để biết mình thích cái gì là HÃY HỌC CÁC LỚP CAO CẤP HƠN CỦA MÔN MÀ MÌNH MUỐN THEO CHUYÊN NGÀNH. Chỉ khi bạn thử thách mình với những lớp khó, bạn mới biết mình yêu thích chuyên ngành ấy thế nào.

2. Học cái mình cần?

Không ai biết được tương lai, nên việc đoán xem mình cần học gì (cho cái tương lai xa vợi ấy) là một điều không tưởng. Ví dụ, bạn đoán mình muốn ra làm ngân hàng, chắc nịch sẽ phải học tài chính, nhưng biết đâu khủng hoảng tài chính xảy ra năm bạn ra trường, hàng loạt ngân hàng phá sản và không có nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn có thể hỏi những câu hỏi cụ thể để giúp mình hiểu hơn cái mình cần. (Lưu ý việc này chỉ tăng xác suất biết được cái mình cần; rủi ro luôn hiện diện). Ví dụ bạn biết mình muốn ở lại Mỹ làm việc ít nhất vài năm, thì việc học một ngành Toán hay khoa học (STEM) sẽ tăng xác suất được ở lại làm việc (nếu xin được việc) vì có cái STEM extension nếu chẳng may quay H1B lần đầu không được. Hay nếu bạn biết mình muốn làm việc liên quan đến phân tích, thì vâng, học nhiều lớp Toán hay các lớp có nhiều xác suất thống kê, phân tích, thậm chí bao gồm cả lập trình nhiều vào. Những lớp ấy cho bạn kĩ năng, công cụ, và giúp tư duy logic rất nhiều.

3. Đại học là sự đầu tư hay cuộc tiêu khiển?

Có lẽ câu hỏi lớn nhất mà bạn nên hỏi là, bạn muốn có được gì từ 3 đến 4 năm đại học của mình. Nếu bạn tin đó là bước đệm để mình ra trường có việc ổn định, có công việc lương cao, có cơ hội thăng tiến, hay chuẩn bị cho mình vào các ngành học thuật, thì những năm đại học đó, là một sự đầu tư. Vậy nên, hãy học cái bạn cần. Hãy xem giờ nhu cầu ngành nghề ra sao, học cái gì thì dễ xin việc, học cái gì thì cho mình kĩ năng mình cần…..mà học. Có khi thấy chán, cũng nên cố mà học, nếu mình có sức và lực để học. Tức là nếu bạn biết cần học CS để sau này ra làm lập trình viên vài năm để trả nợ tiền đi học, thi dù không thích lắm, nhưng mà vẫn theo được lớp, vẫn có thời gian cho những thứ khác mình thích, thì thôi cứ cố mà học.

Còn đi học đại học để “trải nghiệm,” “khám phá mình,” “khám phá …… (bất kể cái gì bạn muốn khám phá) thì cứ thoải mái học cái gì mà bạn thích nhất, kể cả những ngành biết rằng sẽ rất khó để xin việc, hay kể cả có thành việc, thì khó thành công. Ví dụ bạn thích học vẽ, được, sau ra làm hoạ sĩ. Nhưng dĩ nhiên bạn cũng hiểu làm hoạ sĩ khó, có mấy người bán được tranh? Nhưng nếu vẽ là niềm đam mê, và bạn cũng không quan tâm lắm chuyện thành danh hay tiền nhiều tiền ít, thì cứ tha hồ mà vẽ.

4. Kết luận

Nếu cái bạn thích giống với cái bạn cần, quá tốt. Nếu không, có nhiều người chọn học hai ngành, một ngành mình thích, một ngành mình cần. Nhiều trường không cho học hai ngành, cái này hơi khó hơn một tí 🙂

Ai cũng muốn được truyền cảm hứng, được nghĩ về những điều tốt đẹp, và mong những điều tốt đẹp đến với mình. Nhưng sự thật đôi khi lại hơi khác như thế.

Mọi ý kiến chỉ mang tính tham khảo, việc của mỗi cá nhân là tự hỏi mình thật nhiều câu hỏi, tự lập ra các giả thuyết khác nhau, và có các phương án thay thế, ít nhất để chuẩn bị mình về mặt tâm lý. Hơn hết thảy, làm vậy để có thể luôn nói với mình rằng: đây là quyết định cuối cùng của mình, và khi đã lựa chọn rồi, thì không có gì nuối tiếc.