Một ngày của sinh viên chuyên ngành STEM diễn ra thế nào?

Chương trình học của các chuyên ngành STEM ở các trường Đại học Mỹ thường được đánh giá là khá nặng và căng thẳng với khối lượng kiến thức chuyên ngành lớn. Liệu sinh viên những ngành này có bị quá tải? Liệu họ có sắp xếp được thời gian dành cho những mối quan tâm khác trong cuộc sống thường ngày? Bài viết này sẽ giải đáp những băn khoăn trên cho các bạn học sinh đang cân nhắc lựa chọn khối ngành này ở bậc Đại học.

Tại sao nên lựa chọn chuyên ngành STEM?

STEM là từ đại diện cho Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật & Toán học, gồm những khối ngành thuộc các lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế. Năm 2010, tại Mỹ có tới 7,6 triệu người lao động trong lĩnh vực STEM, tương đương với tỉ lệ cứ 18 người lao động thì có 1 người làm việc trong lĩnh vực này. Số lượng nghề nghiệp trong khối ngành STEM đã tăng 17% trong vòng 10 năm từ năm 2008 đến năm 2018, trong khi các ngành khác chỉ tăng 9,8%.

Thu nhập của các công việc trong ngành STEM cũng cao hơn trung bình 26% so với các công việc trong lĩnh vực khác. Đặc biệt, những người có bằng cấp STEM dù sau khi tốt nghiệp có làm các công việc liên quan tới STEM hay không cũng có thu nhập cao hơn.

Nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM cũng đòi hỏi trình độ học vấn cao hơn, với hơn 2/3 người làm việc trong lĩnh vực này có bằng cử nhân, trong khi chỉ có dưới 1/3 người lao động của các lĩnh vực khác có loại bằng này.

Rõ ràng, tương lai của những sinh viên có bằng cấp STEM vô cùng xán lạn, nhưng quá trình học tập để đạt được loại bằng này cũng không phải dễ dàng.

Thách thức cho các trường đào tạo STEM

Có tới gần một nửa sinh viên ngành STEM bỏ hoặc chuyển ngành, theo một nghiên cứu vào năm 2014 của Trung tâm Thống kê Giáo dục quốc gia, Mỹ. Mặc dù số liệu này cũng khá tương đương với các ngành học khác nhưng các trường vẫn đang tìm những biện pháp để cải thiện do nhu cầu việc làm trong khối ngành này đang ngày một tăng cao. Các trường phải tăng cường những hình thức hỗ trợ như gia sư, giải đáp các thắc mắc cho sinh viên ngành STEM ngay từ những năm đầu tiên khi mới bắt đầu các môn học đại cương về ngành.

Những yêu cầu & ràng buộc với sinh viên ngành STEM

Khối lượng chương trình:

Bạn sẽ cần đăng ký ít nhất 12 giờ tín chỉ cho 1 học kỳ, tương đương với việc phải dành ra 12 tiếng mỗi tuần trong các lớp học. Tuy nhiên đây chỉ là số giờ tối thiểu. Để có thể theo kịp tiến độ chương trình học trong cả 4 năm học, bạn thường phải đăng ký 15 giờ tín chỉ/học kỳ. 

Mỗi chuyên ngành sẽ có những yêu cầu đăng ký môn học khác nhau, và với những bạn có dự định học thêm chuyên ngành hoặc bằng sau đại học, các bạn sẽ phải đăng ký thêm nhiều môn hơn nữa. Ngoài ra, để tốt nghiệp ngành STEM, nhiều trường cũng yêu cầu sinh viên phải học thêm một số môn học thuộc chuyên ngành khác như khoa học và xã hội nhằm giúp học sinh có kiến thức đa dạng hơn. 

Số giờ học:

Ngoài thời gian trên lớp, sinh viên ngành STEM thường phải tự học và tự nghiên cứu rất nhiều. Theo kết quả của một Khảo sát sinh viên toàn quốc năm 2011, sinh viên ngành STEM thường sẽ cần dành khoảng 20 giờ học cho mỗi tuần, chưa bao gồm thời gian cho những việc như tới gặp giáo sư hay thảo luận nhóm với bạn bè.

Việc làm thêm 

Bên cạnh việc học, rất nhiều sinh viên đại học còn xin đi làm thêm trong trường do yêu cầu của các môn học ở trường hoặc để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học. Trong năm 2011, 71% sinh viên đại học có việc làm thêm. Trong số đó, cứ 5 sinh viên thì có 1 sinh viên làm việc ít nhất 35 giờ/tuần. Còn thông thường, sinh viên sẽ làm trung bình 10-15 giờ/tuần. Số liệu này cho cả sinh viên Mỹ (riêng sinh viên quốc tế chỉ được phép làm tối đa 20 giờ/tuần). 

Sinh viên ngành STEM thường có thể tìm được các công việc nghiên cứu có trả lương để đáp ứng yêu cầu của các môn học, hoặc trở thành tình nguyện viên hay trợ lý cho các dự án nghiên cứu. Ngoài ra, bạn cũng có thể được tích lũy tín chỉ thông qua các công việc nghiên cứu này. 

 Hoạt động ngoại khoá

Hoạt động ngoại khóa thường là một yếu tố quan trọng và có tác động tích cực tới việc học tập của các bạn sinh viên. Sinh viên ngành STEM dành số thời gian cho các hoạt động này bằng với sinh viên các chuyên ngành khác, với khoảng trung bình là 8 tiếng/tuần. Các hoạt động thường liên quan tới thể thao, câu lạc bộ, hội nhóm sinh viên hay tình nguyện.

Một ngày của sinh viên ngành STEM

Mặc dù không có sinh viên nào có trải nghiệm giống nhau y hệt nhưng thông qua các nghiên cứu và thống kê, chúng ta có thể hình dung ra bức tranh tổng quát về một ngày của sinh viên ngành STEM thông thường như sau:

8.00: Thức dậy, ăn sáng, tắm rửa và tới trường

8:30: Ghé nhà ăn hoặc 1 quán cafe, mang theo 1 ly cafe tới lớp học

9:00: Bắt đầu tiết học đầu tiên, có thể là lớp hoá hữu cơ hay xác suất,.. nhưng hãy luôn nhớ mang theo vở để ghi chép

10:30: Kết thúc tiết học đầu tiên. Lúc này có thể ôn tập kiến thức một chút hoặc đi kiếm thêm 1 ly cafe để chuẩn bị cho tiết học tiếp theo

12:00: Ăn trưa và nghỉ ngơi

13:00: Bắt đầu tiết học buổi chiều, có thể là 1 môn học thực nghiệm hoặc 1 môn về xã hội và nhân văn theo yêu cầu của trường

14:30: Kết thúc các lớp học. Trước khi ra về, bạn có thể ghé văn phòng hỗ trợ học tập của trường để nhờ giải đáp những thắc mắc trong học thuật

15:00: Tập luyện bóng đá

17:00: Kết thúc tập luyện, tắm rửa nhanh và ôn tập lại một số nội dung học tập trước bữa tối

18:30: Ăn tối

19:00: Bắt đầu công việc làm thêm, có thể là tới phòng thí nghiệm làm việc với giáo sư, hoặc chạy bàn ở một quán cafe,..

21:00: Kết thúc làm thêm. Lúc này, bạn có thể về và bắt đầu ôn lại một số kiến thức từ các lớp học, đọc trước bài vở cho hôm sau

22:00: Sau khi đã hoàn thành hết bài tập về nhà, bạn có thể nghỉ ngơi, trò chuyện với bạn bè và chuẩn bị kế hoạch cho ngày mới

23:00: Đi ngủ để nạp năng lượng cho một ngày làm việc mới!

Lịch trình một ngày như thế này có vẻ khá bận rộn, thế nhưng nếu chia nhỏ ra chúng ta sẽ thấy các công việc đều đầy đủ, chặt chẽ và hoàn toàn khả thi. Bạn có 3 giờ học trên lớp, học & làm bài tập vào khoảng 3 – 4 giờ, làm thêm 2 giờ và tập luyện thể thao thêm 2 giờ nữa. Và bạn vẫn có thời gian trò chuyện, kết nối với bạn bè, trao đổi thêm với giáo sư và thư giãn một chút trước khi ngủ.

Dĩ nhiên, dù bạn chọn ngành nào thì cũng sẽ có những ngày bạn vô cùng bận rộn và cũng có những ngày lại trôi qua rất nhẹ nhàng. Sinh viên ngành STEM có thể bận rộn hơn so với sinh viên các ngành khác nhưng nếu bạn yêu thích và muốn theo đuổi ngành này, hãy sẵn sàng đầu tư thời gian và năng lượng nhé!