Những điều cần biết để trở thành Dược Sĩ ở Mỹ?!

1. Dược Sĩ Mỹ học bao lâu? Một SV mất 8 năm sau phổ thông trung học để trở thành DS đa khoa hoặc 9-10 năm để trở thành DS chuyên khoa. Để vào trường Dược Khoa, các SV thường phải tốt nghiệp ĐH 4 năm, thi PCAT (Pharmcy College Admission Test) điểm cao, làm thiện nguyện, phỏng vấn và được nhận vào trường Dược Khoa.
Có tổng cộng 153 trường Nha Khoa tại Mỹ đào tạo Văn bằng Tiến Sĩ Dược Khoa (Doctor of Pharmacy). Chương trình PharmD thường kéo dài 4 năm. Trong 2 năm đầu dược khoa khoa, các SV học về lý thuyết, 2 năm cuối là thực tập bao gồm 1 năm internship. SV ra trường với bằng PharmD có quyền thi chứng chỉ hành nghề và được công nhận danh xưng là dược sĩ.
Năm 1965, trường ĐH Nam California là trường đầu tiên tại Mỹ đưa ra văn bằng Doctor of Pharmacy song song với chương trình Doctor of Medicine nhằm nhấn mạnh vai trò và đào tạo DS chuyên ngành, để thay cho bằng Bachelor of Pharmacy hoặc BS in Pharmacy. Đến năm 2000, tất cả các trường Dược tại Mỹ đều đào tạo văn bằng Doctor of Pharmacy.
Có một số trường Dược tại California không cần điểm MCAT và xét tuyển theo điểm GPA và bài luận văn. Đặc biệt,có một số trường kết hợp 2 năm ĐH + 4 năm PharmD thành chương trình 6 năm dành cho học sinh phổ thông. Học cách này sẽ rút ngắn lại 2 năm so với chương trình 4+4 thông thường.
Sau khi ra trường với bằng PharmD và thi đậu Hội Đồng Dược Khoa (Board of Pharmacy), các Dược Sĩ có thể làm DS nhà thuốc (như nhà thuốc CVS, Walgreen, hoặc Walmart). Trong khi đó, để làm DS lâm sàng (clinical pharmacist) trong bệnh viên đòi hỏi các DS phải làm thêm ít nhất một năm nội trú dược khoa.
2. Chuyên khoa sâu cùa ngành Dược khoa và các lựa chọn nghề nghiệp khác: Khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp trường Dược tiếp tục làm nội trú dược khoa, đa số là nội trú tổng quát tại bệnh viện để trở thành DS lâm sàng. Chương trình nội trú thường kéo dài một năm. Sau chương trình nội trú, các DS có thể tập trung vào một số chuyên khoa sâu hơn như tim mạch, ung thư, truyền nhiễm, nhi khoa, vv.. Sau khi xong nội trú (1 năm) và nghiên cứu chuyên sâu (1-2 năm) thì DS có quyền thi chuyên khoa sâu (Board of Specialty) và được chứng nhận chuyên khoa. Nhiều DS sau khi tốt nghiệp hoặc nội trú chọn làm cho các công ty Dược phẩm về nghiên cứu và chế tạo thuốc (R&D) với thu nhập cao và ổn định. Một số các DS cũng làm tư vấn (Consultant). Nhiều văn bằng và chương trình học song song với ngành Dược ra đời như MBA/PharmD, PhD/PharmD tương tự như bên y khoa.
3. Dược Sĩ ngày càng lấn sân Bác Sĩ: Vì cách phát triển chương trình dược khoa và đào tạo gần như song song với y khoa (chương trình Doctorate + nội trú), ngành dược khoa đã đi một bước dài trong việc dưa DS tiến gần đến vị trí của BS (và có thể thay thế BS gia đình sau này). Hiện nay, nhiều phòng khám chuyên về thuốc (kiểm tra thuốc chống máu đông, theo dõi thuốc, hoặc chính ngừa bệnh) tại Mỹ do DS chuyên trách. Các tổ chức Dược Khoa tại Mỹ rất mạnh trong việc vận đồng hành lang Washington để chấp thuận các luật có lợi cho DS.
Hiện tại, Nghề DS tại Mỹ được xem là một trong những nghề tốt nhất tại Mỹ do lương cao, lối sống tốt, và công việc ổn định. Ngành này cũng được nhiều bạn nữ chọn hơn so với ngành Y do học và làm ít cực hơn.
Theo bác sĩ Wynn Huynh Tran, MD, DPD