Nộp hồ sơ sớm từ đầu tháng 11 – Nên hay không?

Có rất nhiều tranh luận nổ ra về điểm được và mất khi nộp hồ sơ từ vòng sớm (đầu tháng 11): ED (Early Decision), EA (Early Action), REA (Restrictive Early Action), SCEA (Single Choice Early Action). 

Tại sao lại cần phải nộp sớm? Trong bối cảnh hiện nay, việc nộp hồ sơ sớm có tăng cơ hội trúng tuyển của các ứng viên? 

Cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây của APUS.

I. Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ định nghĩa của từng vòng nộp hồ sơ sớm:

1. ED: Vòng nộp hồ sơ sớm có ràng buộc:

– ED được chia thành ED 1 (hạn nộp hồ sơ trong tháng 11 và nhận kết quả vào tháng 12) và ED 2 (nộp hồ sơ vào tháng 1, trùng với hạn nộp vòng RD, nhưng nhận kết quả sớm hơn vào tháng 2). Nếu bạn trượt vòng ED 1 nhưng trường cho phép bạn bảo lưu kết quả, hồ sơ của bạn sẽ tiếp tục được xem xét ở vòng ED 2.

– ED là vòng tuyển sinh có ràng buộc. Chỉ được nộp duy nhất một trường ED nhưng có thể nộp thêm vào một số trường EA và các trường RD.

– Nếu trường nhận và đáp ứng đủ mức tài chính ứng viên yêu cầu, ứng viên buộc phải nhập học (cam kết về đạo đức, không phải pháp luật), và từ chối các trường khác dù trúng tuyển.

2. EA: Vòng nộp hồ sơ sớm không ràng buộc:

– Hạn nộp của vòng EA thường trong tháng 11 hoặc 12 và nhận kết quả vào tháng 1 hoặc 2. Ứng viên có thể chọn ra một trong nhiều trường EA nhận mình để theo học và thông báo đến trường về quyết định cuối cùng của mình trước ngày 1/5.

– EA có hai lựa chọn con là REA và REA/SCEA. Hạn nộp hồ sơ hai vòng này thường trong tháng 11 và nhận kết quả vào giữa tháng 12. Về cơ bản REA và REA/SCEA giống EA ở điểm không ràng buộc nhưng điểm khác là:

  • Với REA, một số trường quy định ứng viên có thể vừa nộp hồ sơ vào trường REA, vừa nộp vào các trường EA/các trường RD. Chỉ sau khi nhận được kết quả REA vào giữa tháng 12, ứng viên mới được tiếp tục apply ED. Lưu ý đọc kỹ quy định từng trường trước khi nộp.
  • Với REA/SCEA, ứng viên có thể nộp các trường RD nhưng tuỳ quy định từng trường, có thể không được phép nộp hồ sơ vào các trường EA (trừ khi đó là trường công). Chỉ sau khi nhận được kết quả REA/SCEA vào giữa tháng 12, ứng viên mới được tiếp tục apply ED. Lưu ý đọc kĩ quy định từng trường trước khi nộp.

II. Ý nghĩa của các vòng nộp hồ sơ sớm:

Trong bảng số liệu bên dưới, tỷ lệ trúng tuyển ở vòng hồ sơ sớm ED của hầu hết các trường thường cao hơn 3 đến 4 lần so với tỷ lệ trúng tuyển ở vòng hồ sơ thông thường. 

Tỷ lệ nhập học từ vòng nộp hồ sơ thông thường là rất thấp: 2-3% tại Stanford và 6-7% tại Harvard. Chỉ nhìn vào những con số, chúng ta có thể thấy một lợi thế rõ ràng cho việc nộp trong vòng sớm.

Có một số ý kiến cho rằng nộp hồ sơ vòng ED có thể khiến bạn bị ràng buộc về tài chính vì bạn không thể so sánh các gói hỗ trợ tài chính “chỉ dành cho học sinh nhà giàu”. Điều đó không đúng bởi vì các trường thuộc khối Ivies thường cung cấp các gói tài chính hào phóng khi họ cam kết với một sinh viên và trong trường hợp xấu nhất, bạn vẫn có thể quyết định không chọn trường sau khi trúng tuyển vòng ED nếu bạn không đủ khả năng chi trả.

Dưới đây là ý nghĩa của các vòng hồ sơ sớm:

  1. Tỷ lệ trúng tuyển ở vòng nộp hồ sơ sớm lớn hơn so với vòng nộp hồ sơ thông thường.
  2. Có ít người nộp đơn trong vòng hồ sơ sớm hơn so với vòng thông thường (xem bảng số liệu bên dưới, đôi khi ít hơn 8-10 lần). Điều đó có nghĩa là hồ sơ, bài luận và các thông tin khác của bạn được các chuyên gia tuyển sinh xem xét kỹ lưỡng hơn.
  3. Vòng hồ sơ thông thường sẽ mang tính cạnh tranh cao hơn nhiều bởi nhiều học sinh hàng đầu quốc gia thường sẽ đợi ứng tuyển ở vòng hồ sơ thường. Vì thế, ở vòng hồ sơ sớm, những thí sinh thực sự xuất sắc, nổi trội hơn hẳn về mặt học thuật và các hoạt động ngoại khóa sẽ có cơ hội tỏa sáng nhiều hơn.
  4. Việc nộp hồ sơ sớm cho một trường đại học cho thấy rằng bạn đã chọn trường trước, bạn yêu thích trường và sẵn sàng cam kết học trường đó nếu được nhận. Do vậy, ban tuyển sinh vẫn có khả năng chọn một học sinh “ngấp nghé” đạt tiêu chuẩn, được vào trường ở vòng hồ sơ sớm (mặc dù không thường xuyên).
  5. Nếu hồ sơ của bạn được chuyển xét hồ sơ sang vòng sau (deferred), bạn vẫn có cơ hội gửi thông tin cập nhật về giải thưởng, điểm số,… và khoảng 5-15% học sinh  deferred (tùy trường) được nhận trong vòng hồ sơ thông thường. Điều quan trọng là trường biết rằng đây là sự lựa chọn hàng đầu của bạn.
  6. Với tình hình COVID hiện tại, nhiều trường (đặc biệt là các trường Đại học Khai phóng LACs) đã bị thâm hụt tài chính do  ảnh hưởng từ COVID-19. Điều đó có nghĩa là những sinh viên không cần hỗ trợ tài chính và đăng ký ED sẽ có tỷ lệ trúng tuyển cao hơn trong năm nay. 

Các chuyên gia APUS dự đoán rằng năm nay nhiều trường LACs cùng với các trường đại học hàng đầu sẽ có tỷ lệ nhận học sinh trong vòng ED cao hơn để chốt số lượng sinh viên đóng học phí.

Tỷ lệ trúng tuyển của các trường Ivy League – Niên khóa 2020 – 2024:

IVIES Tỉ lệ trúng tuyển tổng Tỉ lệ trúng tuyển vòng ED/EA Tỉ lệ trúng tuyển vòng RD
Class of 2024 Số HS trúng tuyển Số HS ứng tuyển Tỉ lệ (%) Số HS trúng tuyển Số HS ứng tuyển Tỉ lệ (%) Số HS trúng tuyển Số HS ứng tuyển Tỉ lệ (%)
Brown 2,533 36,794 6.88 800 4,562 17.54 1,733 32,232 5.38
Columbia 2,465 40,084 6.15 650 4,461 14.57 1,815 35,623 5.1
Cornell NA NA NA 1,576 6,615 23.82 NA NA NA
Dartmouth 1,881 21,394 8.79 547 2,069 26.44 1,334 19,325 6.9
Harvard 1,980 40,248 4.92 895 6,424 13.93 1,085 33,824 3.21
Penn 3,404 42,205 8.07 1,269 6,453 19.67 2,135 35,752 5.97
Princeton 1,823 32,836 5.55 791 5,000 15.82 1,032 27,836 3.71
Yale 2,304 35,220 6.54 796 5,777 13.78 1,508 29,443 5.12
Tổng cộng 16,390 248,781 6.59 7324 41,361 17.71 9,066 207,420 4.37

MIT và Stanford: Niên khóa 2020 – 2024:

MIT + Stanford Tỉ lệ trúng tuyển tổng Tỉ lệ trúng tuyển vòng ED/EA Tỉ lệ trúng tuyển vòng RD
Class of 2024 Số HS trúng tuyển Số HS ứng tuyển Tỉ lệ (%) Số HS trúng tuyển Số HS ứng tuyển Tỉ lệ (%) Số HS trúng tuyển Số HS ứng tuyển Tỉ lệ (%)
MIT 1,457 20,075 7.26 687 9,291 7.39 770 10,784 7.14
Stanford NA NA NA NA NA NA NA NA NA
Tổng cộng 1,457 20,075 7.26 687 9,291 7.39 770 10,784 7.14