Vén bức màn tuyển sinh Đại học Top đầu tại Mỹ

Quá trình chọn lọc hồ sơ của các trường đại học danh giá của Mỹ thường được phủ bởi một màn sương bí mật. Nhìn bề ngoài, cách những trường Top đầu đánh giá ứng viên có thể chính xác đến mức tuyệt đối. Khi đang là học sinh cuối cấp, bạn tưởng rằng chỉ cần cố gắng đạt điểm tuyệt đối ở mọi môn học, giành điểm SAT cao chót vót hay lấy thật nhiều các môn APs, bạn sẽ có nhiều lợi thế để trúng tuyển vào các trường Đại học hàng đầu của Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. “Mọi thứ đều khá mơ hồ.” – Là lời bộc bạch từ Jeffrey Selingo – một trong những người đã từng làm việc cho phòng tuyển sinh của trường Davidson, Đại học Emory và Đại học Washington trong năm 2018-2019. Sau khi phỏng vấn hàng loạt thành viên trong ban tuyển sinh các trường, Jeffrey đi tới kết luận rằng có những nhân tố bất ngờ không thể lường trước trong việc lựa chọn hồ sơ của các trường đại học ưu tú.

Thông thường, sẽ có một hội đồng xét duyệt hồ sơ và đưa ra quyết định cuối cùng. Ở vòng này, việc xét duyệt hồ sơ không còn dựa vào điểm số hay xếp loại học lực, mà là dựa vào những nhân tố bất ngờ như khả năng tài chính, chủng tộc, giới tính và ngành học. Hầu hết các bậc phụ huynh và học sinh không hề biết đến khâu đánh giá này, được gọi là khâu “định hình” trong xét duyệt hồ sơ tuyển chọn sinh viên.

Ví dụ, trong đợt tuyển sinh năm 2018-2019, trường Emory có tỷ lệ chọi là xấp xỉ 1 trên 22. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đầu tháng Ba, vài tuần trước khi thông báo trúng tuyển được gửi đi, ban tuyển sinh của năm phân khu địa lý của trường này đã phải từ chối thêm 1000 hồ sơ nằm trong nhóm có khả năng “trúng tuyển”. Trong số hồ sơ bị loại này, có cả những hồ sơ có quá nhiều điểm B vào năm lớp 12; có hồ sơ ở diện ưu tiên có bố mẹ từng tốt nghiệp ở trường Emory nhưng vì hoạt động ngoại khóa của học sinh này quá ít nên cũng bị loại. Một nhân viên cho biết hồ sơ này đăng ký vào ngành dự bị y khoa nhưng lại chẳng có hoạt động nào gắn với ngành học đó cả. Một hồ sơ khác dù có rất nhiều điểm A đẹp đẽ, thậm chí là con của nhân viên trường Emory – nghĩa là được ưu đãi một phần học phí khi được nhận vào trường, nhưng vì hoạt động ngoại khóa chẳng liên quan đến ngành học là Thần kinh học nên hồ sơ này cũng bị loại ở vòng xét duyệt cuối cùng.

Chưa kể, một số trường rất coi trọng tỉ lệ nam nữ. Ví dụ, nếu tỷ lệ nam sinh viên trong các trường đại học cao đẳng Mỹ nhỏ hơn 45% thì để đảm bảo việc cân bằng giới tính, các trường cũng hay loại bỏ đi những ứng viên đủ tiêu chuẩn. Có trường hợp một ứng viên nữ có bảng điểm toàn A và đạt 1500 SAT, cô muốn đăng ký học chương trình dự bị Luật. Thí sinh nữ này có hoạt động ngoại khoá là chạy điền kinh thời cấp hai và tham gia vào đội bóng đá của trường trung học. Một nhân viên tuyển sinh nói: “Tôi thích bộ hồ sơ này. Nếu còn chỗ trống hay ta cho ứng viên đó vào nhé.” Nhưng do phải đảm bảo việc cân bằng về giới nên số cán bộ tuyển sinh còn lại viện lý do rằng bộ hồ sơ còn thiếu sót do chỉ tập trung vào các phẩm chất cá nhân của ứng viên đó, mà lại ít nhắc đến các hoạt động trên lớp, và cuối cùng, phủ quyết nhận thí sinh tiềm năng này.

Ngoài ra, nhân viên xét duyệt hồ sơ ứng tuyển còn dựa vào những nhân tố khác như tính đa sắc tộc và giới tính. Để làm được điều này, nhân viên tuyển sinh sẽ hỏi những câu đại loại như: Liệu chúng ta có đủ sinh viên da đen hay Mỹ Latin không? Có đủ sinh viên với khả năng chi trả học phí? Có quá nhiều nữ sinh trong lớp hay không? Có quá nhiều sinh viên từ Tây Nam hay Đông Bắc? Có đủ sinh viên chuyên ngành nhân học không? Các tiêu chí xét chọn này sẽ khác nhau đôi chút tuỳ vào quan điểm và nguồn lực của mỗi trường. Các trường công lập thường nhận được khối lượng hồ sơ khổng lồ nên sẽ dùng biện pháp loại hồ sơ “công nghiệp hơn”, trong khi các trường tư thục nhỏ hơn thì lại mổ xẻ hồ sơ kỹ càng hơn. Ví dụ như đại học Washington có quy trình tuyển sinh ít dựa vào các yếu tố “định tính” hơn. Hồ sơ của trường này được phân loại chính theo điểm số của các ứng viên, rồi căn cứ vào số lượng hồ sơ nộp vào trường để đưa ra điểm “cut off”. Chưa kể, một số trường công còn phân loại ứng viên theo địa lý, sinh viên trong bang hay ngoài bang, sinh viên trong nước hay quốc tế, ngành “hot” hay không hot. Với những ngành có nhu cầu cao như khoa học máy tính và kỹ thuật thường hạn chế số lượng nên các xét tuyển cũng đôi phần chặt chẽ hơn.

Một số trường tư như trường Davidson tại Bắc Carolina thì chú trọng về vấn đề đa dạng chủng tộc và văn hóa. Trong tuần cuối, hội đồng tuyển sinh sẽ họp lại, đưa các tiêu chí cuối cùng lên bàn cân. Trường này thường hay nhìn vào năng lực đặc biệt của thí sinh như năng khiếu nghệ thuật, thời gian nộp hồ sơ (hồ sơ nộp ở vòng sớm hay vòng thường), có mối quan hệ nào với cán bộ trong trường, hay các yếu tố về chủng tộc văn hóa, giới tính để lựa chọn ra ứng viên phù hợp ở vòng xét loại cuối cùng này.

Hầu hết các trường đại học còn cân nhắc một yếu tố không kém phần quan trọng: khả năng tài chính của ứng viên. Davidson và Emory là số ít các trường đủ tiềm lực tài chính nên không coi tài chính là một yếu tố khi lựa chọn ứng viên, thậm chí các trường này còn hứa sẽ giúp đỡ sinh viên đủ tiền để theo học. Tuy nhiên phần lớn các trường đại học Mỹ khác sẽ coi yếu tố tài chính của ứng viên là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định tuyển sinh của mình. Một số trường sẽ vẫn nhận sinh viên đó nhưng cắt giảm khoản trợ cấp đi, hoặc thấp hơn mức được chính sách liên bang đề ra, thậm chí là thẳng tay từ chối ứng viên.

Trường Lafayette ở Pennsylvania bắt đầu đánh giá hồ sơ tài chính của ứng viên từ giữa tháng Hai, cho đến tận cuối tháng Ba trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Mỗi năm, trường này sẽ xét lại mức hỗ trợ tài chính và điều chỉnh lại cho phù hợp. Vào năm 2019, mức hỗ trợ tài chính là $35,000, bằng vào khoảng một nửa tổng chi phí một năm học tại trường Lafayette. Trong 8500 ứng viên ở Mỹ vào đợt 2018-2019, có tới 2200 trường hợp cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn 35,000$ một năm.

Trong khi lọc hồ sơ, trường Lafayette sẽ lọc ra các hồ sơ cần hỗ trợ tài chính cao để cân nhắc hơn là các hồ sơ chỉ đòi hỏi hỗ trợ tài chính ít hoặc không cần hỗ trợ tài chính. Sau đó, trường cân đối lại ngân sách của mình để đưa ra quyết định cuối cùng. Trong số những ứng viên không được trường Lafayette nhận vào năm ấy có người đứng thứ 5/600 trong lớp trung học phổ thông, với điểm GPA là 3.96 và SAT là 1450. Người này có nhu cầu tài chính khi nhập học Lafayette là #66,810 mỗi năm. Một trường hợp bị loại nữa là một thí sinh đến từ bờ Tây, lấy tới 9 lớp APs và điểm SAT đạt 1450. Cô gái này có nhu cầu tài chính $57,000. Năm đó, Lafayette phải từ chối đến 200 ứng viên đạt tiêu chuẩn vì vì họ không thể chi trả được cho việc học tại trường.

Từ những ví dụ trên, ta có thể tạm rút ra một kết luận mang tính tương đối rằng: những hồ sơ điểm cao, ngoại khoá chuẩn mực chưa chắc đã đỗ vào các trường Đại học top đầu của Mỹ. Trường Mỹ còn xem xét một số nhân tốt bất ngờ khác để đưa đến quyết định chọn hay loại một hồ sơ đầy tiềm năng nào đó. Nỗ lực là cần thiết nhưng may mắn và cả khả năng tài chính cũng đóng vai trò nhất định trong việc ứng tuyển vào các trường Đại học danh giá nhất tại Mỹ.

Nguồn: Tổng hợp từ nhiều nguồn uy tín